Thứ Ba, 29 tháng 10, 2013

TP. HCM, nở rộ khiếu kiện đòi nhà

Liên tiếp trong thời gian gần đây, TP. HCM nổi lên hàng loạt vụ khách hàng khiếu nại chủ đầu tư dự án chung cư chậm bàn giao nhà.
Hàng loạt vụ khiếu nại đòi nhà
Cuối tuần trước, hàng trăm khách hàng mua căn hộ Dự án chung cư Mỹ Phú kéo đến bao vây trụ sở CTCP Đầu tư hạ tầng và đô thị dầu khí (Petroland) ở quận 7, TP. HCM, chủ đầu tư dự án, yêu cầu doanh nghiệp này giải thích việc “trùm mền” dự án trên. Tuy nhiên, chủ đầu tư vẫn án binh bất động, khiến khách hàng phẫn nộ, phong tỏa cả tòa nhà làm việc và buộc chính quyền địa phương phải can thiệp. Theo hợp đồng mua căn hộ, tháng 9/2012, chủ đầu tư phải bàn giao nhà, nhưng đến nay dự án vẫn còn ngưng trệ.
Cùng thời điểm này, ở quận 2, hàng chục khách hàng mua căn hộ Dự án etrolandmark do CTCP Đầu tư và xây lắp Dầu khí Sài Gòn (PVC Land) làm chủ đầu tư cũng đã kéo đến dự án yêu cầu PVC Land giải thích việc chậm bàn giao căn hộ. Tuy nhiên, cuối cùng, các “thượng đế” cùng đành ngậm ngùi ra về, vì chủ đầu tư “cố thủ” không ra mặt.
Khách hàng tụ tập trước Dự án Petrolandmark đòi chủ đầu tư bàn giao căn hộ
Theo khách hàng của dự án này, theo hợp đồng mua căn hộ, thời gian chủ đầu tư phải bàn giao nhà là tháng 12/2011 và đến nay, dù hầu hết khách hàng đã đóng 85 – 100% giá trị căn hộ, nhưng dự án chỉ mới xong phần thô và ngưng thi công gần 2 năm qua.
“Cứ mỗi lần chúng tôi kéo đến yêu cầu bàn giao nhà thì chủ đầu tư đều có thông báo hứa hẹn, nhưng đã 2 năm qua, đến giờ dự án vẫn không khởi động lại”, một khách hàng than vãn.
Sau thời gian mỏi mòn chờ đợi, gần 50 khách hàng mua nhà tại Dự án căn hộ Cao ốc Xanh trên đường Nam Hòa, quận 9, TP. HCM do CTCP Đầu tư xây dựng số 8 (CIC 8) làm chủ đầu tư đã đồng loạt lên tiếng về việc công ty này trễ hẹn bàn giao nhà tới gần 4 năm.
Ngoài những dự án kể trên, Dự án chung cư Đại Thành ở quận Tân Phú do Công ty Đại Thành làm chủ đầu tư; Dự án Ngọc Phương Nam ở quận 8 do Công ty An Điền làm chủ đầu tư; Dự án Thảo Loan Plaza do Công ty Thảo Loan làm chủ đầu tư cũng bị khách hàng khiếu nại vì chậm bàn giao nhà.
Mới đây nhất, Công ty Phát triển nhà Bình Chánh (BCCI) đã bị khách hàng khởi kiện ra tòa vì chậm bàn giao căn hộ Nhất Lan 3. Theo phán quyết của Tòa án Nhân dân quận Bình Tân, BCCI phải hoàn trả lại tiền đã đóng cùng với lãi suất phạt cho khách hàng.
Mất dần niềm tin
Nhìn lại những vụ lùm xùm thời gian qua đều cho thấy, hầu hết lý do mà các chủ đầu tư giải thích việc chậm tiến độ dự án là do khó khăn về tài chính. Theo luật sư Nguyễn Tấn Hải, Đoàn luật sư TP. HCM, lý do này có thể là sự thật, tuy nhiên, đây chỉ là giải thích mong nhận được sự chia sẻ của khách hàng, còn xét ở góc độ pháp lý, các trách nhiệm vẫn thuộc về các doanh nghiệp, bởi hơn ai hết, khách hàng là người chịu thiệt nhất.
Thực tế, nhiều khách hàng đã chia sẻ với chủ đầu tư với mong muốn nhận được nhà để ở, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn thiếu thiện chí. Đơn cử như với Dự án chung cư Phú Mỹ, đây là lần thứ 6, khách hàng kéo đến Petroland đòi bàn giao nhà. Theo các khách hàng, trong cuộc “bao vây” lần trước, chủ đầu tư đã chấp thuận phương án khách hàng tiếp tục nộp tiền và quản lý dòng tiền để chủ đầu tư xây dựng và hoàn thiện dự án. Tuy nhiên, đến nay chủ đầu tư vẫn không chịu thực hiện phương án trên.
Còn với Dự án chung cư Đại Thành, trong cuộc “đấu khẩu” gần đây nhất giữa khách hàng với chủ đầu tư, sau khi nghe chủ đầu tư thừa nhận không còn tiền để tiếp tục triển khai dự án và cần hơn 99 tỷ đồng để hoàn thiện dự án. Thêm một lần nữa, khách hàng đã nhượng bộ, chấp nhận đóng phần tiền còn lại vào tài khoản trung gian do đại diện khách hàng, Công ty và Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP. HCM làm chủ tài khoản để xây dựng dự án.
Trong khi đó, với Dự án Petrolandmark, tính đến nay, chủ đầu tư đã có đến 9 thông báo bằng văn bản về thời điểm giao nhà và văn bản mới nhất, chủ đầu tư hứa tháng 9/2013 sẽ bàn giao, nhưng nay đã đến sang cuối tháng 10, lời hứa của chủ đầu tư vẫn là lời hứa suông.
Đành rằng, “vô phúc đáo tụng đình”, nhưng trước tình cảnh này, nhiều khách hàng cho biết, họ buộc phải khởi kiện các chủ đầu tư ra tòa, vì không còn tin vào lời hứa suông.
Tăng Triển – Đầu tư chứng khoá

Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2013

Báo chí quốc tế xúc động trước dòng người 50 km tiễn Đại tướng


Các hãng tin lớn thế giới hôm nay đăng nhiều bài viết và hình ảnh hàng chục nghìn người Hà Nội đổ ra các tuyến phố cho đến tận sân bay Nội Bài và quỳ xuống để tiễn biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp trước khi ông về với quê mẹ Quảng Bình.

afp-1-6532-1381675568.jpg
Dòng người xếp hàng dọc theo chặng đường mà linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi qua. Ảnh: AFP
Hàng chục nghìn người dân thủ đô Hà Nội sáng nay đổ ra đường để tiễn biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người chỉ huy các chiến dịch lịch sử đánh bại quân đội Pháp, Mỹ và trở thành một trong những nhà chỉ huy quân sự lỗi lạc nhất của thế kỷ 20, Reuters viết.
Đám đông xếp hàng nhiều giờ đồng hồ, trên khắp các con phố Hà Nội, đem theo di ảnh và hoa, tạo thành dòng người dài suốt 30-40 km trên đường ra đến sân bay Nội Bài. Quan tài của Đại tướng được phủ quốc kỳ, đặt trên chiếc xe quân sự, đi qua trong sự thương tiếc của dòng người đưa tiễn. Thi hài ông sau đó được an táng tại quê nhà Quảng Bình.
Đài truyền hình và phát thanh của nhà nước phát đi bản nhạc đau thương để đưa tiễn người mà nhân dân gọi là "người anh cả" của quân đội và là huyền thoại của đất nước.
Hãng tin lớn khác của Anh, BBC, cũng đưa tin trang trọng về lễ Quốc tang của Việt Nam và Đại tướng đã an nghỉ ở quê hương Quảng Bình. Tại Quảng Bình, các binh sĩ và công nhân đã gấp rút hoàn thành con đường đi vào ngôi chùa bên núi, nơi an táng Đại tướng. 
Phóng viên BBC mô tả, sau khi đoàn xe đi qua, nhiều người lớn tuổi vẫn ở lại, lần lượt chia sẻ những bức ảnh đã nhạt màu của họ thời trẻ chụp chung với vị tướng huyền thoại trong những năm tháng chiến đấu hoặc trong những nơi người tới thăm. "Rất nhiều người Việt Nam kính trọng Tướng Giáp, chỉ sau vị cha già dân tộc Hồ Chí Minh", BBC viết.
AFP đăng hình ảnh nhiều người dân quỳ xuống và hô vang "Đại tướng sống mãi" trong đoàn người xếp hàng dọc hai bên đường kéo dài suốt 50 km từ nhà tang lễ Quốc gia ở trung tâm Hà Nội kéo dài đến sân bay Nội Bài. Hãng tin nói đây là một cảnh tượng chưa từng thấy kể từ sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời bốn thập kỷ trước.
"Đại tướng là nhà lãnh đạo quân sự xuất sắc, đóng góp vô cùng to lớn vào sự thành công của cách mạng Việt Nam", AFP dẫn lời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng viết trong sổ tang. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng ký tên trong sổ tang Đại tướng.
Người thân trong gia đình Đại tướng mặc đồ đen, đứng gần đó trong khi cả nhà tang lễ chìm trong không khí tiếc thương và khói hương nghi ngút. Phía bên ngoài, những cựu chiến binh gắn huân chương đầy ngực cho đến những thanh thiếu niên mặc chiếc áo in hình Đại tướng đều mong được tiễn biệt Đại tướng lần cuối.
"Tôi không thể ngủ được, tôi đã đến đây từ sớm để nhìn thấy ông lần cuối cùng. Đại tướng là một người vĩ đại, tài giỏi và có tâm hồn cao cả. Tôi đã khóc khi Bác Hồ mất, và bây giờ tôi khóc vì Đại tướng", bà Nguyễn Thị Bảy, 68 tuổi, nói với AFP.
Các hãng tin lớn khác như Xinhua, AP, Wall Street Journal, Ifeng... cũng đều có bài đưa tin và hình ảnh về lễ Quốc tang của Việt Nam với các tiêu đề "Việt Nam tổ chức Quốc tang vị khai quốc công thần Võ Nguyên Giáp" (Ifeng), "Việt Nam để tang vị danh tướng chống Mỹ" (Xinhua), "Hàng nghìn người tiễn đưa vị anh hùng Việt Nam" (AP)...
Phóng viên ảnh của AP cũng ghi lại được những hình ảnh người dân xúc động gục khóc khi tiễn biệt Đại tướng lần cuối, hay khoảnh khắc linh cữu Đại tướng đi qua Lăng Hồ Chủ tịch, được coi là lời chào từ biệt của ông với Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước khi về an nghỉ tại địa điểm bên bờ Biển Đông, Vũng Chùa - Đảo Yến, tỉnh Quảng Bình.
ap-4762-1381675568.jpg
Linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi qua Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở quảng trường Ba Đình, Hà Nội, sáng nay. Ảnh: AP

Thứ Năm, 10 tháng 10, 2013

Chọn bất động sản: Vị trí, vị trí và vị trí

Chọn bất động sản: Vị trí, vị trí và vị trí

Tổng giám đốc điều hành của 3 công ty tư vấn bất động sản nước ngoài tại Việt Nam chia sẻ với Forbes Việt Nam quan điểm của họ về tình hình thị trường hiện nay. Họ là Marc Townsend, CBRE Việt Nam, Neil Macgregor, Savills Vietnam và Chris Brown, Cushman & Wakefield Vietnam.
Forbes Việt NamThị trường bất động sản (BĐS) đã sụt giảm từ 2008. Ông đã nhìn thấy ánh sáng le lói cuối đường hầm chưa?
Marc Townsend: Có những ngày chúng tôi nghĩ rằng thị trường đã qua giai đoạn khó khăn nhất, và có những ngày chúng tôi thấy thị trường dậm chân tại chỗ.
Có nhiều thương vụ đang xảy ra mặc dù đó không phải là những thương vụ lớn… Ánh sáng cuối đường hầm mà chúng tôi mong đợi ở thị trường này không phải là giá tăng hay doanh số tăng, mà là số lượng bán, cho thuê tăng lên và những người thuê hài lòng.
Neil Macgregor: Gần đây, chính phủ đã làm rất tốt vai trò kiềm chế lạm phát và ổn định tiền tệ, điều này thể hiện ở lãi suất vay hấp dẫn hơn và GDP tăng trưởng ổn định với tốc độ 5% mỗi năm.
Từ tín hiệu này, chúng tôi kỳ vọng sự quan tâm đến lĩnh vực BĐS sẽ tăng trong 1 – 2 năm tới, chủ yếu là trong lĩnh vực nhà ở.
Chris Brown: Trong khi thị trường nhìn chung còn trì trệ, chúng tôi vẫn nhìn thấy tín hiệu tốt lên ở vài phân khúc trong những vị trí chiến lược. Sau 5 năm, đang có xu hướng tăng những giao dịch với một số dự án có khả năng sinh lời cao ở Hà Nội và TP.HCM.
Đợt suy giảm từ mức tăng trưởng của năm 2007 và đầu năm 2008 thực ra đã giúp điều chỉnh thị trường điều này sẽ giúp thu hút nhà đầu tư quốc tế với nguồn vốn chi phí thấp đang đi tìm cơ hội.
Forbes Việt Nam: Một số chính sách hỗ trợ thị trường đã được thực thi, và lãi suất đang ổn định trở lại. Ông có thấy điều này giúp làm ấm lên thị trường BĐS?
Marc Townsend: Nó giúp điều chỉnh tâm lý thị trường rằng điều tệ nhất đã qua rồi. Nếu bạn có nhiều tiền, bỏ vào ngân hàng lúc này vẫn là giải pháp tốt nhưng trong vòng 6 tháng nữa có thể sẽ khác.
Nếu bạn đầu tư vàng thì có lẽ nên bán đi, nếu bạn chưa làm thế. Tôi chắc là nếu dân có tiền, họ sẽ bắt đầu xem xét đầu tư BĐS, nhất là mảng thị trường giá thấp. BĐS vẫn là kênh đầu tư rất trọng của người Việt Nam.
Macgregor: Các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và lãi suất giảm trở lại mức năm 2007 đang dẫn đến nhiều đổi mới tích cực ở thị trường BĐS. Khi lãi suất hạ và niềm tin của người tiêu dùng tăng lên, các giao dịch nhà ở đã tăng đáng kể trong nửa năm đầu năm 2013, so với cùng kỳ năm 2012.
Brown: Lãi suất có ý nghĩa khác nhau đối với nhà phát triển và những người mua. Với nhà phát triển, mặc dù lãi suất giảm, việc vay vốn hiện vẫn khó vì ngân hàng đang thực hiện việc tái cấu trúc các khoản nợ xấu, trong đó rất nhiều nợ xấu đến từ các dự án bất động sản lớn dở dang…
Nhìn từ quan điểm của người mua, việc lãi suất giảm và ổn định khiến nhà đầu tư xem xết đến thị trường chứng khoán và BĐS.
Forbes Việt Nam: Về phân khúc nhà ở, nhiều người có nhu cầu về nhà ở vẫn đang chờ đợi cho giá giảm tiếp, hoặc nói cách khách, có một kỳ vọng rằng một số nhà phát triển sẽ bị phá sản, dẫn đến giá giảm hơn nữa. Ông có cho rằng đây là kịch bản có thể xảy ra?
Townsend: Chúng tôi chưa thấy trường hợp phá sản, phát mại nào từ phía ngân hàng cả. Những dự án có vấn đề nhất là dự án xây dựng dang dở phải ngưng lại. Muốn nó khởi động lại nhà đầu tư khác phải nhảy vào, trả nợ, xây tiếp, và người mua phải tiếp tục trả tiền. Tôi chưa thấy điều đó xảy ra nhiều. Luật Phá sản của Việt Nam cũng không giống luật phá sản ở nơi nào trên thế giới. .. Tôi thấy báo chí đưa tin là một số dự án đang giảm giá hàng loạt, nhưng tưởng như giảm giá, thực ra nhà phát triển thay đổi chất lượng, tiêu chuẩn của sản phẩm, cũng như cách thanh toán. Họ không giảm giá, mà họ điều chỉnh giá. Tôi không nghĩ là sẽ có giảm giá mạnh nữa đâu.
Macgregor: Đúng là có tâm lý “chờ đợi” trong những năm gần đây, tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư đã và đang đưa ra những hình thức khuyến mãi hấp dẫn giúp tăng tỷ lệ hấp thụ của thị trường mà không phải giảm giá.
Chúng tôi kỳ vọng mô hình này sẽ tiếp tục diễn ra và giá BĐS giảm chỉ ở những dự án có chất lượng thấp, hoặc những dự án có tồn kho lớn.
Brown: Nợ xấy là một chủ đề nóng hiện nay. Thực tế, vấn đề này không xử lý trong một sớm một chiều được. Điều này có nghĩa, tâm lý trông đợi việc ngân hàng tịch thu tài sản để xử lý sẽ mất nhiều thời gian.
Chúng tôi nghĩ rằng kịch bản dễ xảy ra nhất là các nhà phát triển sẽ tiếp tục giảm giá bán trong nỗ lực tìm kiếm dòng tiền và trả nợ. Các ngân hàng sẽ mua lại các dự án này nhưng có thể sẽ chuyển nhượng cho nhà đầu tư khác ở một tỉ lệ chiết khấu thấp hơn mức nợ, rồi họ sẽ hoàn thành và từ từ sẽ giảm tồn kho bất động sản.
Forbes Việt Nam: Có những quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài vào các dự án hiện hữu, thông qua mua ban, sáp nhập (M&A) không, và liệu điều này có giúp đẩy thị trường?
Townsend: Rất ít nhà đầu tư nước ngoài muốn chấp nhận rủi ro. Họ thường chọn mua những tòa nhà đã xây xong để tân trạng lại hơn là vào mua lại một dự án dở dang để làm tiếp, phải tìm hiểu xem tổng số nợ bao nhiêu…
Họ phải tìm hiểu quá nhiều thông tin trong một thị trường còn thiếu minh bạch và họ không phải những người kiên nhẫn. Thực ra những người đang mua lại là các nhà đầu tư Việt Nam, vì họ có thông tin, hiểu vấn đề, có quan hệ. Có rất nhiều dự án đang diễn ra màn bạn không đọc được trên báo, do những công ty Việt Nam có nhiều tiền mua lại.
Đây là giai đoạn vàng cho các công ty Việt Nam! Không có một bạch mã hoàng tử từ bên ngoài đâu, mà chính từ nguồn trong nước.
Macgregor: Trong khi các nhà phát triển dự án trong nước đang gặp khó khăn trong việc huy động vốn và thanh khoản cho dự án, đây là cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài gia nhập thị trường với thế mạnh về nguồn vốn và chuyên môn của họ. Kỳ vọng về giá đã hợp lý hơn nhiều và người mua có quyền thương lượng tốt hơn.
Chúng tôi nhận thấy cơ hội có được những dự án phát triển hấp dẫn cho những nhà đầu tư nước ngoài trong khoảng từ 6 – 12 tháng sắp tới, mà khó có thể tìm được lúc thị trường còn “nóng, bằng chứng là những giao dịch lớn gần đây. Ngoài ra, chúng tôi cũng nhận được ngày càng nhiều yêu cầu tư vấn từ các nhà đầu tư Nhật Bản và Đài Loan và các quốc gia khác trong khu vực.
Brown: Quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu tập tập trung vào các vị trí đắc địa có khả năng tạo nguồn thu và có khả năng sinh lời lâu dài. Chúng tôi thấy có nhiều quan tâm từ các nhà đầu tư ngoại vào việc mua cổ phần ở các công ty có dự án tốt, uy tín thương hiệu cao.
Forbes Việt Nam: Thị trường nào đang có dấu hiệu phục hồi, văn phòng, bán lẻ hay phân khúc nhà ở?
Townsend: Rõ dàng đang diễn ra việc tái cấp vốn cho các dự án nhà ở, trong đó nhiều dự án ở khu vực đông dân cư ở Tân Bình, Bình Thạnh… và trong những dự án nhà ở cấp thấp hơn.
Tình trạng thừa cung ở mang văn phòng đang hết dần, vì các công ty đang dịch chuyển văn phòng vào những cao ốc văn phòng ở khu vực trung tâm. Khách sạn cũng không có nhiều nguồn cung mới trong thời gian tới.
Macgregor: Thị trường văn phòng ở TP.HCM đang có dấu hiệu cải thiện rõ rệt. thể hiện ở giá thuê thực đạt được cao hơn do các chủ tòa nhà đưa ra thời hạn miễn phí tiền thuê ngăn hơn và ít các hình thức khuyến mãi khác nhằm thu hút người thuê.
Diện tích văn phòng đang chờ cho thuê cũng ít hơn với số lượng hạn chế những văn phòng mới đang được xây dựng. Khi nguồn cầu tăng lên giá cho thuê văn phòng sẽ tăng dần lên.
Brown: Lĩnh vực văn phòng đang có dấu hiệu tăng trưởng được dẫn dắt bởi các yếu tố như địa điểm, nguồn cung và cầu thị trường, ở cả hai thị trường Hà Nội và TP.HCM. Nhu cầu tiêu dùng yếu đi sẽ làm chậm quá trình phục hồi của thị trường bán kẻ, nhưng có những dấu hiệu tích cực khi nhiều thương hiệu mới vào Việt Nam.
Có khả năng các trung tâm bán lẻ sẽ có sự kết hợp giữa thiết kế đẹp, mặt bằng tốt, không gian thích hợp và hướng đến phân khúc trung cấp. Về nhà ở, những nhà phát triển có uy tín vẫn đang bán được hàng.
Forbes Việt Nam: Theo ông, sai lầm lớn hất của nhà phát triển BĐS từ đợt sụt giảm này là gì?
Townsend: Quá hứng khởi và tin rằng là thị trường sẽ tăng mãi trong khi nó phải giảm. Ngoài ra không nhận rằng lãi suất ở Việt Nam rất khác những nơi khác.
Macgregor: 2 bài học cơ bản: Một là những nhà phát triển dự án căn hộ đã không nghiên cứu thị trường kỹ lưỡng và vị thế xây dựng quá nhiều căn hộ với diện tích quá lớn. Căn hộ với mức giá có thể chấp nhận được vẫn là vấn đề then chốt ở Việt Nam và đã có quá nhiều căn hộ được xây dựng với giá quá cao đối với thị trường hiện nay ở Việt Nam. Bài học thứ hai là nhiều nhà phát triển đã lạm dụng nguồn vốn văn lớn từ ngân hàng trong khi có rất ít nhà phát triển BĐS (hay ngân hàng) thật sự có kinh nghiệm huy động vốn cho dự án BĐS ở một thị trường mới nổi đang phát triển nhanh như vậy.
Brown: Những nhà phát triển bị thiệt hại nhất trong đợt rồi là những nhà đầu tư vào BĐS thay vì lĩnh vực cốt lõi của họ, trong đó có các doanh nghiệp nhà nước. Nhiều công ty phát triển dự án không đáp ứng nhu cầu thị trường. Các vấn đề từ thiết kế, chất lượng, khả năng chi trả và việc phân phối dự án đã tác động đến niềm tin người mua vào dự án.
Forbes Việt Nam: Lỗi lớn nhất mà nhà đầu tư BĐS phạm phải là gì?
Townsend: Tin rằng giá chỉ có tăng mà thôi.
Macgregor: Nhiều nhà đầu tư BĐS đã tự làm mình quá tải, ở việc đầu tư vào một danh mục lớn gồm nhiều BĐS, sử dụng vốn vay ngân hàng với lãi suất rất cao. Khi thị trường biến động, họ sẽ không thanh toán được các khoản vay nợ và khó có thể thoái vốn từ các khoản đầu tư BĐS do thị trường kém thanh khoản.
Brown: Thay vì nhấn mạnh vào sai lầm của nhà đầu tư, chúng ta nên xem xét việc họ nên làm gì vào tương lai. Họ cần bảo đảm rằng họ đang đầu tư vào cái mà họ hiểu và trong khả năng tài chính của mình.
Vài câu hỏi họ cần đặt ra là: Một là, vị trí bất động sản đó có sẽ đạt được tăng trưởng vốn hay không?
Hai là, có bao nhiêu căn hộ/biệt thự/khu công nghiệp ở khu vực đó, có cơ hội bán hoặc cho thuê dễ dàng không?
Ba là, có dự án đối thủ nào và trong trường hợp cần thiết, có thể dễ thoái vốn bất động sản hay không? Trả lời được câu hỏi này, nhà đầu tư trung bình có thể tránh các sai phạm trong tương lai.
Forbes Việt Nam: Nếu có thể đưa ra một lời khuyên ngắn gọn cho những người đầu tư vào thị trường này, lời khuyên sẽ là..
Townsend: Đây là thời gian rất tốt để mua vào! Khi đầu tư hãy xem kỹ nhà phát triển là ai, tìm hiểu thị trường kỹ hơn, đầu tư bằng cái đầu chứ không phải bằng cảm xúc.
Macgregor: Nên tham khảo tư vấn từ những chuyên viên BĐS am hiểu thị trường địa phương. Với lĩnh vực BĐS, mặc dù “vị trí, vị trí và vị trí” vẫn luôn đúng, nhà đầu tư có lẽ cũng nên “nghiên cứu, nghiên cứu và nghiên cứu” nếu muốn thu được lợi nhuận hấp dẫn và giảm thiểu rủi ro khi đầu tư vào các thị trường này.
Brown: Hãy gọi điện thoại cho chúng tôi.
 
P.V – Forbes Việt Nam