Tôi
buộc phải bắt đầu bài viết này bằng câu chuyện hơi đáng mắc cỡ của
chính mình. Tôi năm nay 31 tuổi, đang học tại Anh, sống cùng một gia
đình người bản xứ.
Tuần rồi, được nghỉ giữa kỳ, chị chủ nhà dắt con gái (11 tuổi) đi bơi và rủ tôi cùng đi. Tôi
nói: Tôi không biết bơi. Vừa nghe xong, chị rất ngạc nhiên vì không tin
được bằng đó tuổi và sống ở một đất nước nhiệt đới, nổi tiếng với đường
biển dài, sông ngòi, kênh rạch chằng chịt (là do tôi từng 'khoe' với
chị) mà không biết bơi. Chị và 4 người con của chị đều biết bơi trước 10
tuổi.
Mới đây, chị bạn của tôi (39 tuổi) cũng đang học nghiên cứu sinh ở Hà
Lan đã khoe bằng A bơi lội (Dutch Certificate A in Swimming) sau 5 tháng
miệt mài bên Hà Lan dù chị vốn là người sinh ra, lớn lên và làm việc ở
miền Tây Nam bộ, nhà cách sông 50 m. Chị nhận được sự chúc mừng nhiệt
liệt của bạn bè cho một thành tích mà đa số trẻ em dưới 7 tuổi của Hà
Lan đạt được. Một chị bạn khác (36 tuổi) vừa bảo vệ xong luận án tiến sĩ
ở Bỉ, với quyết tâm cao độ đã hăm hở cùng chồng đến hỏi thăm thông tin
để học bơi thì được nhân viên phụ trách bên ấy hỏi: Con của ông bà mấy
tuổi vì cứ nghĩ chị ấy đi đăng ký học bơi cho con.
Vài câu chuyện hài hước trên về việc học bơi, cộng với hàng loạt cái
chết thương tâm của trẻ em Việt Nam hàng năm do ngã xuống sông, suối, ao
hồ, hay tắm biển để minh chứng cho thấy việc giáo dục một số kỹ năng
sinh tồn (survival skill) hay kỹ năng sống cơ bản đã bị bỏ qua một thời
gian rất dài trong giáo dục Việt Nam. Tuy nhiên, để cải thiện điều này
thì cũng có lắm cái khó.
Từ năm học 2010-2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành văn bản chỉ
đạo cùng các tài liệu hướng dẫn việc lồng ghép, tích hợp các nội dung
giáo dục kỹ năng sống vào các môn học, các hoạt động giáo dục ngoài giờ
lên lớp ở phổ thông. Vì thế, nếu nói Bộ Giáo dục và Đào tạo không quan
tâm đến nội dung giáo dục này thì quả là oan cho Bộ. Chiến
lược lồng ghép, tích hợp cũng là phù hợp để tránh nâng số môn học ở phổ
thông lên quá nhiều. Hầu hết các nước phát triển mà tôi biết, kể cả Anh
quốc thì kỹ năng sống cũng chưa tách riêng.
Tuy nhiên, là người trong cuộc, tôi nhận ra hoạt động này chưa thực sự hiệu quả cả trong nhà trường. Nguyên nhân từ đâu?
Theo một nghiên cứu tôi hướng dẫn sinh viên làm năm 2010, khảo sát ở 4
trường THCS ở TP HCM thì ba nguyên nhân dẫn đến sự khó khăn của giáo dục
kỹ năng sống là:
- Dung lượng các môn học (Toán, Lý, Hoá, Văn...) quá lớn: Giáo viên lẫn
học sinh hoàn thành hết các nội dung các môn đó để thi đã mệt nhoài.
- Chưa có chương trình giáo dục kỹ năng sống cụ thể, thiết thực: hiện
nay, điều này được cải thiện qua việc Bộ biên soạn tài liệu hướng dẫn
cho giáo viên, nhưng cũng nhiều nội dung giáo viên chẳng biết phải dạy
thế nào.
- Thiếu giáo viên chuyên dạy kỹ năng sống: Các giáo viên phổ thông hiện
nay phải kiêm nhiệm vì nội dung giáo dục kỹ năng sống chủ yếu được tích
hợp trong các môn học, hoạt động ngoài giờ lên lớp. Về kiến thức, họ có
thể truyền đạt nhưng đã gọi là kỹ năng thì đòi hỏi phải thực hành thao
tác. Hầu hết giáo viên rất lúng túng vì họ chưa thành thạo trong việc sử
dụng các phương pháp đa dạng để huấn luyện học sinh tiến hành các kỹ
năng, chưa kể, bản thân họ cũng chưa sở hữu một số kỹ năng được yêu cầu
dạy cho học sinh.
Đó còn chưa kể những yếu tố gần như "lực bất tòng tâm": phương tiện dạy
học, cơ sở vật chất, sĩ số học sinh... Cứ như chuyện học bơi, chắc Bộ,
Sở, nhà trường đều thấy cần nhưng kinh phí xây dựng hay thuê mướn hồ bơi
cho hết các trường học cũng không ít. Ở vùng sâu, vùng xa cũng không
thể đem các em ra sông, suối, ao hồ để dạy bơi được. Đến ngay cả nước
Anh giàu có thế mà năm 2012 vẫn thống kê được 39% trong số những trẻ
tiểu học chưa biết bơi thành thạo là do nhà trường không có điều kiện để
dạy (số còn lại do khả năng học và các nguyên nhân khác). Dạy kỹ năng
thì phải thực hành, nhưng một lớp tới 40-50 học sinh thì giáo viên cũng
không theo sát được.
Kết quả nghiên cứu này chỉ là bước đầu, mang tính tham khảo nhưng cũng
đáng để chúng ta lưu tâm để từ đó có những giải pháp thực sự hiệu quả
cho giáo dục kỹ năng sống trong nhà trường.
Trước hết, Bộ cần xác định lại rõ ràng khung mục tiêu của giáo dục ở
các cấp. Tại Scotland, dù kỹ năng sống không là môn học riêng, nhưng học
sinh vẫn được trang bị khá tốt do mục đích giáo dục quốc gia, xác định
rõ giáo dục cho trẻ 3-18 tuổi để các em trở thành: người học thành công,
cá nhân tự tin, công dân trách nhiệm, người đóng góp cho cộng đồng. Từ
mục đích này, họ xác định chi tiết hệ thống mục tiêu kỹ năng rất thiết
thực với đời sống và trở thành kim chỉ nam hướng dẫn cho các trường tự
xây dựng chương trình riêng cho mình dựa vào khung chương trình (rất
khái quát) quốc gia, miễn sao đáp ứng được yêu cầu giáo dục quốc gia,
nhu cầu học sinh và phụ huynh.
Thứ hai, Bộ phải giảm bớt các nội dung học thuật khác rồi thêm kỹ năng
sống chứ không chỉ có 'thêm' các nội dung và hoạt động giáo dục kỹ năng
sống khiến khối lượng công việc của giáo viên phổ thông Việt Nam hiện đã
nặng lại càng nặng thêm. Sở dĩ, giáo viên tại Anh có thể rèn các kỹ
năng đa dạng cho học sinh là do khối lượng kiến thức học thuật trong các
môn tương đối nhẹ nhàng và được phép linh hoạt, các chương trình ngoại
khoá được khuyến khích và họ cũng có nhiều thời gian để tổ chức cho học
sinh.
Thứ ba, nhà trường, giáo viên phải nhận thức được tầm quan trọng của
việc trang bị kỹ năng sống cho học sinh, nỗ lực thực hiện theo đúng tinh
thần chỉ đạo của Bộ, thay vì tìm cách cắt bớt. Ngoài bơi lội (nằm trong
môn giáo dục thể chất), giáo dục tín ngưỡng, giáo dục giới tính và các
mối quan hệ (từ cấp 2) là mang tính bắt buộc trong nhà trường Anh quốc,
còn lại các kỹ năng sống khác (kể cả sơ cấp cứu, thoát hiểm, giao tiếp,
lãnh đạo, tư duy...) đều không được quy định bắt buộc trong chương trình
quốc gia, do đó, việc thực hiện chủ yếu do các trường và giáo viên.
Thứ tư, trước khi triển khai, Bộ, Sở, nhà trường phải tập huấn kỹ lưỡng
cho giáo viên, đặc biệt là phần phương pháp giáo dục kỹ năng sống.
Những nội dung chuyên biệt như: kỹ năng thoát hiểm, sơ cứu, sử dụng
thiết bị điện.... cần mời chuyên viên riêng.
Thứ năm, về kinh phí, chúng ta cũng phải tạm chấp nhận hoàn cảnh "nhà
nghèo con đông" của mình để tính toán lại việc sử dụng kinh phí giáo dục
cho hiệu quả, ưu tiên những hoạt động giáo dục quan trọng. Có rất nhiều
kỹ năng sống cần dạy, trong điều kiện còn hạn chế, chúng ta phải sàng
lọc lại những kỹ năng nào cần được ưu tiên để triển khai ngay. Ví dụ như
kỹ năng bơi, sơ cứu dù có khó khăn thì vẫn phải ưu tiên triển khai càng
nhiều càng tốt.
Kỹ năng sống theo cách hiểu rộng nhất thì bao gồm mọi năng lực tâm lý -
xã hội để cá nhân thực hiện các hành vi thích ứng, tích cực nhằm giải
quyết hiệu quả các yêu cầu, thử thách trong cuộc sống hàng ngày (quan
điểm UNICEP). Do đó, giáo dục kỹ năng sống không phải là trách nhiệm duy
nhất của nhà trường. Thậm chí, với một số kỹ năng sống, nhà trường đưa
vào chương trình dạy cho học sinh, để biến thành kỹ năng thực sự tức học
sinh có thể vận dụng thành thạo trong đời sống hàng ngày thì đòi hỏi
gia đình phải hỗ trợ rất tích cực.
Tôi lấy ví dụ về kỹ năng tự phục vụ. Từ ở trường mầm non, trẻ đã được
rèn luyện. Lên tiểu học, học bán trú, nhiều trường tổ chức cho các em tự
sắp xếp bàn ghế, lấy thức ăn, quét dọn lớp, sắp xếp chỗ ngủ trưa... Các
em đều hoàn thành tốt. Tuy nhiên, khi về nhà, nhiều phụ huynh xót con
đi học nhiều nên về nhà lại không cho làm gì cả. Trong khi đó, khi tôi
trò chuyện với cô bé 11 tuổi người Anh, con gái chị chủ nhà mà tôi đang ở
cùng, bé nói ở trường, học sinh cũng phải tự phục vụ việc ăn uống, dọn
dẹp, em ấy còn tham gia vào đội tình nguyện hỗ trợ các bạn khuyết tật
học hoà nhập cùng mình nên bữa trưa nào em cũng ăn trễ hơn 30 phút so
với các bạn khác. Về nhà, mỗi tuần, cô bé vẫn phải rửa chén bát 2 buổi
tối, tự dọn phòng nếu muốn nhận được tiền tiêu vặt. 11 tuổi, bé tự nấu
được các món ăn đơn giản cho cả nhà.
Tương tự, một số kỹ năng khám phá cuộc sống, kỹ năng giải quyết các sự
cố thường ngày cũng đã được dạy phần nào trong nhà trường nhưng không ít
phụ huynh lại rất cẩn thận và lo xa, giữ chặt con trong nhà nên những
gì được học cũng không có cơ hội vận dụng và mai một dần.
Tôi đã từng hỗ trợ chương trình rèn kỹ năng sống cho học sinh (10 - 14
tuổi) bằng cách cho các em tham gia một ngày vòng quanh các di tích lịch
sử TP HCM bằng xe bus, đi bộ. Trong ngày đó, các em phải thực hành kỹ
năng xem bản đồ xe bus, bản đồ tìm đường đi bộ, hợp tác nhóm, giao tiếp,
thuyết phục, mua thức ăn, tính toán chi tiêu (mỗi nhóm được phát một số
tiền đủ dùng trong ngày), giải quyết vấn đề (qua các nhiệm vụ được
giao, có khi là câu đố, mật thư, yêu cầu tóm tắt lịch sử...)... Dù có
đội ngũ tổ chức đi kèm nhưng một số phụ huynh vẫn tỏ ra lo lắng nên chạy
xe hơi, xe máy... với đồ đạc tiếp tế theo sau. Tôi cũng lo ngại, sau
ngày hôm ấy, liệu phụ huynh có tạo thêm cơ hội để các em rèn luyện
không?
Tôi hy vọng cả nhà trường cùng gia đình sẽ cùng hợp tác để việc trang bị kỹ năng sống cho học sinh Việt Nam hiệu quả hơn.
Nguyễn Thị Thu Huyền
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét